Thứ bảy, 11/01/2025, 02:54 [GMT+7]

Cơ hội vàng để chiếm lĩnh thị trường nội địa

Thứ tư, 12/06/2013 - 07:12'
Sau hơn 3 năm triển khai cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", người tiêu dùng (NTD) đã ý thức rõ hơn về việc ưu tiên dùng hàng Việt. Đây cũng là cơ hội vàng để các doanh nghiệp (DN) chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Hiện nay, hàng Việt tại các siêu thị đã chiếm tỷ trọng 80-90%, có nơi lên đến 100% và đã có 71% NTD chọn hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên, hàng Việt có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hiện chỉ được bán chủ yếu tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại… Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, số lượng siêu thị chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nên hàng hóa được phân phối chủ yếu ở mạng lưới chợ. Do không thể kiểm soát được chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ như tại các kênh bán lẻ hiện đại nên sự cam kết uy tín của hàng Việt tại những thị trường này còn thấp, chất lượng ban đầu tốt nhưng sau giảm dần, giá lại cao hơn, khiến NTD ở nông thôn chưa có lòng tin với hàng Việt. 

Hàng Việt Nam đã bước đầu chiếm lĩnh thị trường nội địa. Ảnh: Hải Anh

Hàng Việt Nam đã bước đầu chiếm lĩnh thị trường nội địa. Ảnh: Hải Anh.

Lâu nay, các DN "nội" vẫn cho rằng, lượng tiêu thụ thấp là nguyên nhân khiến hàng Việt chưa có đất sống tại địa bàn nông thôn, các chợ truyền thống. Nhưng thực tế không chỉ là chuyện chất lượng sản phẩm, giá cả, hay phương thức phân phối, mà còn do nhiều DN vẫn làm ăn, kinh doanh theo kiểu "chộp giật", khiến sản phẩm Việt mất lòng tin nơi NTD và mất dần chỗ đứng trên thị trường. Muốn NTD lựa chọn hàng Việt thì các DN "nội" phải biết cách giữ uy tín với khách hàng, phải biết giữ gìn và bảo vệ thương hiệu mình đã khổ công gây dựng qua những sản phẩm đẹp hơn, chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu lớn nhất của DN "nội" là ít chú trọng đến khâu kiểm soát chất lượng nguyên liệu "đầu vào", hoặc có chú trọng nhưng lại không được sử dụng vì giá cao, nên chất lượng sản phẩm còn hạn chế và không đồng đều. Ngoài ra, các DN sản xuất cũng ít có tính chủ động trong việc giữ giá cho sản phẩm, hay bị tác động bởi điều kiện khách quan, nên giá bán ra thị trường thường thay đổi theo hướng tăng lên. Có những sản phẩm thương hiệu Việt được NTD ưa chuộng, đang bán rất "chạy" trên thị trường, lại bị DN "làm giá", tạo khan hiếm giả hoặc tăng giá bằng cách thay đổi mẫu mã, khối lượng…

CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã lan tỏa sâu rộng với những kết quả tích cực. Nhưng không phải vô cớ mà NTD vẫn còn phải cân nhắc khi chọn mua hàng Việt. Các chuyên gia trong lĩnh vực phân phối đã tổng kết lại những điểm yếu của sản phẩm thương hiệu Việt như chất lượng không cao, tính năng kém hấp dẫn; mẫu mã chậm thay đổi, nhiều mặt hàng cùng chủng loại nhưng giá cao hơn hàng ngoại; không mạnh dạn đưa ra những thông tin rõ ràng về sản phẩm bị lỗi, dịch vụ bảo hành kém… Để người Việt tin dùng hàng "nội", trước hết DN phải nhìn nhận khiếm khuyết để khắc phục. Sự hỗ trợ của ngành chức năng là một phần quan trọng nhưng DN cần đầu tư công nghệ mới, tăng hàm lượng chất xám để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Lòng tin của NTD sẽ là phần thưởng xứng đáng cho những DN biết trân trọng và bảo vệ thương hiệu của mình. Đây cũng là cơ hội "vàng" để chiếm lĩnh thị trường "nội".

Theo Thanh Hiền (hanoimoi)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) - Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải tốn nhiều công sức, thời gian, tiền bạc để đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...