CHẤT LƯỢNG THẺ NGÂN HÀNG: Đuổi sao cho kịp số lượng?
Hiện người tiêu dùng vẫn phải trả nhiều loại phí cho mỗi chiếc thẻ ngân hàng trong khi chất lượng chưa có nhiều cải thiện. Ảnh: QUANG MINH
Thẻ ảo tăng, phí cao
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tổng số lượng thẻ ngân hàng đã phát hành tính đến cuối quý II-2016 là hơn 106 triệu thẻ. Như vậy với dân số khoảng 90 triệu, thì bình quân mỗi người sở hữu hơn một thẻ ngân hàng. Đây có thể được coi là kết quả từ những cuộc đua phát hành thẻ mạnh mẽ của các ngân hàng trong những năm vừa qua. Năm 2010, số lượng thẻ do các ngân hàng phát hành chỉ ở mức 31 triệu, sau 5 năm con số này đã tăng gấp hơn ba lần.
Cùng với sự gia tăng số lượng thẻ, doanh số thanh toán và doanh số sử dụng thẻ ngân hàng cũng tăng trưởng không ngừng. Số liệu từ Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam cho thấy, năm 2011, doanh số thanh toán ở mức 895 nghìn tỷ đồng và doanh số sử dụng đạt 724 nghìn tỷ đồng; đến năm 2015, các con số này tăng lần lượt là gần 1,7 triệu tỷ đồng và hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 88% và 126%. Bên cạnh đó, lượng máy ATM và máy POS cũng tăng mạnh, tính đến đầu năm 2016 toàn thị trường đã có 16.573 máy ATM và 217.470 máy POS, tăng trưởng 23% và 181% so với năm 2011.
Tuy nhiên, theo tính toán của các cơ quan chức năng, chỉ có khoảng hơn 20 triệu người (trong tổng số 90 triệu dân) sở hữu những tài khoản ngân hàng; gần 70 triệu thẻ (trong tổng số khoảng 100 triệu thẻ) là hoạt động và tỷ lệ thẻ giao dịch trong thực tế còn thấp hơn nhiều. Số lượng thẻ phát hành cao gấp khoảng năm lần số tài khoản.
Nói cách khác nó cũng cho thấy trong khi phần lớn người dân không có thẻ ngân hàng thì có một số người một mình sở hữu tới bốn đến năm thẻ các loại. Và trong khoảng 100 triệu thẻ đã phát hành đó, có tới hơn 20 triệu thẻ phát hành xong rồi nằm “chết” trong ví.
Tương ứng với tốc độ tăng mạnh mẽ của số lượng thẻ, các chi phí liên quan cũng tăng. Đến thời điểm này, mức chi phí sử dụng thẻ tại Việt Nam thuộc tốp cao nhất thế giới. Các ngân hàng cho biết, chi phí bình quân phát hành của mỗi thẻ tại Việt Nam hiện nay là khoảng 5 USD, trong khi các tổ chức độc lập ước tính là hơn 10 USD/thẻ, cao hơn nhiều lần so với mức chi phí trung bình của thế giới là khoảng 1 USD/thẻ. Đó là chưa kể, khi sử dụng, chủ thẻ còn phải chịu hàng loạt phí liên quan như phí in bản sao kê, phí rút tiền ATM, phí đổi ngoại tệ, phí hằng năm, phí bảo dưỡng,... Đối với những người sử dụng thẻ tín dụng, mức phí còn cao hơn nữa khi họ phải trả phí hằng năm (với mức thu hằng năm lên tới hàng triệu đồng), phí phạt thanh toán trễ hạn, lãi phạt,... và riêng lãi suất thẻ tín dụng cũng cao ngất ngưởng so với mặt bằng lãi suất thị trường, phổ biến ở mức khoảng 20 đến 30%/năm tùy ngân hàng.
“Chơi vơi” chất lượng, số lượng và phí
Nhiều ý kiến cho rằng việc phát triển thẻ trong những năm vừa qua chủ yếu chạy theo số lượng chứ chưa đi kèm thay đổi về chất lượng cũng như tăng cường giao dịch của chủ thẻ sau khi thẻ được phát hành. Đây cũng là lý do chính khiến số lượng thẻ ảo tăng cao.
Mặt khác, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam vẫn còn rất phổ biến, cho nên phần lớn thẻ ngân hàng được người dân dùng để rút tiền mặt. Với người dân, điều quan tâm nhất là chất lượng phục vụ của hệ thống ATM, nhưng lại không có nhiều biến chuyển. Việc khống chế hạn mức rút tiền ở mức thấp tại các cây ATM phổ biến trong hầu hết ngân hàng, đang gây ra nhiều phiền toái cho người tiêu dùng. Nếu trước đây, anh Nguyễn Việt Hải có thể rút tiền tại cây ATM đặt ngay cạnh cơ quan trên phố Hàng Trống (Hà Nội) với mức rút tối đa 5 triệu đồng/lần thì từ đầu tháng 10 vừa qua, hạn mức này đã bị giảm xuống không quá 3 triệu đồng cho một lần rút. “Điều này dẫn đến số lần rút tiền của tôi sẽ tăng lên, qua đó, phí rút tiền mặt cũng tăng lên. Đó là chưa kể, cứ đầu tháng, vào thời gian cao điểm cơ quan trả lương hay những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết là máy ATM lại báo lỗi, không rút được tiền” - anh Hải phàn nàn.
Một hạn chế nữa là hệ thống ATM phân bổ không đều, phát triển khá nhanh ở các vùng thành thị, trung tâm nhưng lại thưa vắng tại khu vực nông thôn, miền núi. Một số cây ATM tại các khu vực trung tâm, nơi đông dân cư,... thường xuyên báo nghẽn hoặc hết tiền. Hệ thống máy POS dù tăng nhưng cũng vẫn ở mức thấp nhất thế giới. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), mật độ 1 máy POS/1.000 dân (1.000 chủ thẻ ngân hàng) của Việt Nam được đánh giá là mức rất thấp so với các nước trong khu vực như: Thái-lan là 5 máy, Ma-lai-xi-a 8 máy...
Thanh toán thẻ ngân hàng hiện nay, bên cạnh phương thức truyền thống là rút tiền từ ATM hay quẹt POS, còn có phương thức thanh toán hiện đại sử dụng môi trường in-tơ-nét. Bên cạnh những ưu điểm như nhanh chóng, thuận tiện và tiết kiệm chi phí, việc thanh toán thẻ ngân hàng theo các phương thức hiện đại cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng và khách hàng. Nếu trước đây các vụ việc gian lận phát sinh chủ yếu đối với thẻ quốc tế và đối tượng tội phạm thường là người nước ngoài thì nay, các vụ việc gian lận đã chuyển hướng sang cả đối với thẻ nội địa và hệ thống ATM/POS tại Việt Nam. Những vụ hack tài khoản thẻ hay thẻ vẫn còn trong túi nhưng tiền đã bị rút khỏi ATM,... như báo chí đã phản ánh trong những ngày qua có thể được xem như những thí dụ điển hình cho loại hình tội phạm công nghệ cao này.
Do đó, để khuyến khích người dân dùng thẻ và các phương thức thanh toán qua thẻ, các chuyên gia công nghệ và ngân hàng cho rằng, hệ thống ngân hàng cần coi trọng hơn nữa việc tăng cường an toàn, an ninh mạng; thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an toàn giao dịch cho khách hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần có chính sách phí hợp lý, tiếp tục tăng mạnh số lượng ATM/POS phục vụ nhu cầu sử dụng thẻ và thanh toán hằng ngày của khách hàng.
Theo VIỆT PHONG/nhandan/Thứ Sáu, 09/12/2016, 03:10:10
Bình luận