Gỡ vướng ở khâu chế biến nông sản
Thiếu công nghệ, giảm giá trị
Bắc Giang là địa phương có nhiều nông sản đặc sản, hiện đang loay hoay với công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết: Với diện tích trồng vải lớn nhất cả nước, sản lượng vải của tỉnh đạt từ 150.000 đến 200.000 tấn/năm. Do thời gian vải chín nhanh, lại không bảo quản được lâu nên vào chính vụ, mỗi ngày, Bắc Giang "phải" tiêu thụ 4.000 - 5.000 tấn vải. Có thời điểm, vải chín rộ, người trồng vải phải “bán tống bán tháo” và bị tư thương ép giá.
“Chúng tôi muốn có công nghệ bảo quản vải lâu hơn nhưng chưa đơn vị nào đưa ra công nghệ phù hợp. Đối với chế biến, một số doanh nghiệp (DN) áp dụng dây chuyền sấy vải khô nhưng khâu tách hạt vẫn phải làm thủ công, hiệu quả không cao” - ông Nguyễn Văn Linh chia sẻ.
Việc nâng cao công nghệ chế biến sẽ giúp nông sản Việt Nam xâm nhập các thị trường xuất khẩu hiệu quả.
Tương tự Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho biết, trung bình mỗi năm, vùng nghệ của tỉnh sản xuất đạt hàng nghìn tấn. Tuy nhiên, nông dân chỉ sơ chế rồi bán nghệ tươi, giá trị rất thấp. Người dân rất mong được tiếp cận với công nghệ chế biến hiện đại để nâng cao giá trị cho cây nghệ...
Để cùng nông dân giải quyết vấn đề trên, tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nafood (Nghệ An) cho biết: Công ty đang đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến. Hai năm gần đây, công ty đã đầu tư 100 tỷ đồng để xây dựng vùng sản xuất giống chanh leo chất lượng cao phục vụ sản xuất (thay vì nhập khẩu giống như trước). DN rất mong được Bộ NN&PTNT hỗ trợ, bảo vệ giống sản xuất trong nước...
Còn theo bà Ba Huân - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, công ty đang đầu tư một nhà máy xử lý trứng gia cầm tại Phúc Thọ với công suất 60.000 quả trứng/giờ (200 triệu quả trứng/năm) với mục tiêu xây dựng nhà máy xử lý trứng "sạch" đầu tiên ở miền Bắc. Tuy nhiên, DN rất cần sự hỗ trợ trong lựa chọn dây chuyền công nghệ phù hợp...
Hiện nay, ở nước ta, công nghệ sau thu hoạch là hạn chế chung trong quy trình sản xuất nông nghiệp. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Do sản xuất manh mún nên việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chế biến còn hạn chế. Trong khi đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, nếu vẫn còn tình trạng sản xuất nông nghiệp như vậy, lại chịu tác động bởi biến đổi khí hậu sẽ tạo ra áp lực lớn cho ngành Nông nghiệp. Nếu không tổ chức sản xuất tốt, nông sản Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà...
Sớm đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất
Bộ NN&PTNT xác định, tất cả sản phẩm chủ lực của Việt Nam đều cần công nghệ. Hiện nay mới có số ít nhóm sản phẩm đủ điều kiện đi trước một bước về công nghệ như thủy sản, còn lại những ngành chủ lực khác vẫn đang tiệm cận từng bước và có khu vực đang đòi hỏi phải có đột phá. Đặc biệt là sản phẩm thịt lợn, rất cần đẩy nhanh hơn việc đưa công nghệ hiện đại vào chế biến. Tại hội nghị, một số DN và địa phương kiến nghị với Bộ NN&PTNT có biện pháp hỗ trợ, nghiên cứu, chuyển giao, khâu nối với các đối tác trong và ngoài nước về ứng dụng công nghệ vào bảo quản, chế biến để nâng cao giá trị nông sản.
Ông Dương Chí Dũng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thụy Sĩ cho biết: Thụy Sĩ là quốc gia có nhiều công ty sản xuất máy nông nghiệp và chế biến nông sản hàng đầu thế giới, điển hình như: Công ty Buhler, chuyên sản xuất các loại máy móc cơ khí, máy chế biến ngũ cốc; Công ty Bucher chuyên sản xuất các loại máy chiết xuất rượu vang, nước ép trái cây, dược liệu; sấy khô hoa quả, tách hạt… Qua tìm hiểu, được biết các DN Thụy Sĩ rất muốn đầu tư vào Việt Nam. Đối với vấn đề này, Đại sứ Dương Chí Dũng thông tin, sẽ cùng Bộ NN&PTNT xúc tiến, kết nối cho các DN Việt Nam và Thụy Sĩ gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Một trong những khâu yếu của xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam là thiếu công nghệ chế biến, kinh nghiệm tổ chức, kỹ năng xúc tiến thương mại... Chính vì vậy, trong "nút thắt" của chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức từng chương trình, chủ đề, trên cơ sở diễn đàn Davos tại Thụy Sĩ, qua đại sứ tổng hợp, nghiên cứu, tham quan cơ sở chế biến nông sản ở các nước Châu Âu để đối tác Việt Nam tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu. Nếu mô hình nào phù hợp thì sẽ tổ chức cho DN đến tham quan, lựa chọn hoặc mời chuyên gia tập đoàn nước ngoài đến hỗ trợ DN Việt Nam nhằm đẩy nhanh công nghệ chế biến - khâu tạo ra giá trị cao nhất cho nông sản.
Sau hội nghị này, Bộ NN&PTNT sẽ tập hợp ý kiến, kiến nghị của DN để nghiên cứu, hướng dẫn, hỗ trợ DN; đồng thời, yêu cầu các đơn vị trực thuộc thường xuyên đối thoại với các DN để cùng tháo gỡ khó khăn.
Theo Nguyễn Mai/hanoimoi/05:56 Thứ Sáu ngày 31/03/2017
Bình luận