Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị bãi bỏ “giấy phép con”
Sản xuất vàng (Ảnh minh họa)
Theo bản kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014 chỉ đề cập ba ngành nghề liên quan đến vàng, bao gồm: “Kinh doanh mua, bán vàng miếng”, “Sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”, “Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ”, nhưng tại Điều 1, Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định tất cả các hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt có khái niệm “hoạt động kinh doanh vàng khác” là hết sức chung chung, nhưng lại là rào cản lớn đối với doanh nghiệp.
Như vậy, Hiệp hội này cho rằng, ngoài ba ngành, nghề kinh doanh vàng có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, thì các ngành, nghề kinh doanh còn lại theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP hiện đang trái với Luật Đầu tư 2014.
Bên cạnh đó, điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. ” (Khoản 3, Điều 7 Luật Đầu tư 2014).
Do đó, NHNN quy định chi tiết hồ sơ, thủ tục, điều kiện kinh doanh vàng trong Thông tư 16/2012/TT-NHNN, Thông tư 38/2016/TT-NHNN, và Bộ Khoa học và Công nghệ quy định điều kiện kinh doanh trong Thông tư 22/2014/TT-BKHCN là không đúng thẩm quyền ban hành và hoàn toàn trái với quy định hiện hành của pháp luật.
Bản kiến nghị cũng nêu những quy định hiện hành trong lĩnh vực kinh doanh vàng, đang trái Luật:
Thông tư 16/2012/TT-NHNN, Thông tư 38/2016/TT-NHNN diễn giải sai lệch nội dung Nghị định 24/2012/NĐ-CP về Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng, cụ thể là:
Điều 11, Nghị định 24/2012/NĐ-CP - Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chỉ đưa ra các yêu cầu sau:
“1. Doanh nghiệp được NHNN xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có sổ thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. ”
Như vậy, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cho rằng, mạng lưới Chi nhánh, địa điểm bán hàng nếu từ ba trở lên là đủ điều kiện để được cấp giấy phép (tức là doanh nghiệp chỉ cần thông báo và có tài liệu chứng minh). Tuy nhiên, theo Thông tư 16, Thông tư 38, doanh nghiệp phải đăng ký địa điểm Chi nhánh, địa điểm kinh doanh chờ NHNN xem xét, cũng như mỗi khi điều chỉnh phải xin phép, trong khi đó các tiêu chí xem xét hoàn toàn không được công khai, không đúng thời gian giải quyết hồ sơ theo thủ tục hành chính mà NHNN quy định. Hiệp hội cho rằng: “Điều này gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp khi không được quyền tự do mở rộng hoặc thu hẹp mạng lưới, thay đổi địa chỉ các địa điểm kinh doanh phù họp với nhu cầu và điều kiện thị trường tùy thời điểm, gây tốn kém rất nhiều chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp”.
Theo Hiệp hội Kinh doanh Vàng, Thông tư 38/2016/TT-NHNN đã yêu cầu thêm “bản kế hoạch dự kiến thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ” vốn thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học Công nghệ (căn cứ Thông tư 22/2013/TT-BKHCN) là không phù hợp. Đồng thời, các tiêu chí xét duyệt hồ sơ hoàn toàn không rõ ràng thế nào là đạt, dễ dẫn đến nguy cơ thiếu minh bạch, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp.
Thông tư 16/2012/TT-NHNN và Thông tư 38/2016/TT-NHNN tăng thêm ba yêu cầu trái với Nghị định 24/2012/NĐ-CP về hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh vàng trang sức, mỹ nghệ, Thông tư 38/2016/TT-NHNN còn quy định thêm hai hạng mục trái với Nghị định 24/2012/NĐ-CP đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất.
Bản kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã chỉ rõ những loại giấy phép con cần bãi bỏ:
Điều kiện Vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ:
Nhằm bãi bỏ những giấy phép con không cần thiết, tránh tình trạng tạo ra cơ chế xin cho, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Theo quy định tại Thông tư số 33/2011/TT-NHNN ngày 8/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thì các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc NHNN. Tuy nhiên, trong hơn bốn năm qua, chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, và NHNN cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc NHNN xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.
Trên thực tế, vàng trang sức, mỹ nghệ là hàng hóa thông thường, không thuộc đối tượng bị hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu NHNN hạn chế quyền vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, thì sẽ trái với tinh thần Nghị quyết số 35/NĐ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đó là Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh.
Hơn nữa, theo quy định của Luật Đầu tư 2014, hoạt động vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo, nếu những văn bản cấp Thông tư không được nâng cấp lên thành Nghị định, thì sau ngày 01/07/2016 sẽ bị hết hiệu lực thi hành.
Vì vậy, Hiệp hội kính đề nghị NHNN bãi bỏ quy định tại Điều 2, Thông tư 33/2011/TT-NHNN ngày 8/10/2011 cho phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ:
Việc sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cần được khuyến khích để đáp ứng nhu cầu trong nước và cho xuất khẩu. Khi giá vàng trong nước cao hơn giá quốc tế, thì doanh nghiệp cần được nhập khẩu vàng nguyên liệu để có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Vì vậy, Hiệp hội kính đề nghị cho những doanh nghiệp đã được NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo kế hoạch hàng năm và báo cáo định kỳ với NHNN.
Tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ:
Việc gia công vàng trang sức, mỹ nghệ và tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để thực hiện hoạt động này hiện không nằm trong danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư 2014. Hơn nữa, hoạt động tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu cũng không ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tỷ giá và chính sách tiền tệ của Nhà nước, nên NHNN cũng không cần cấp phép đối với hoạt động này. Nếu có quy định, thì doanh nghiệp chỉ cần báo cáo định kỳ với NHNN.
Hiệp hội kính đề nghị Chính phủ bãi bỏ quy định cấp giấy phép tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ.
Doanh nghiệp vay vàng của các tổ chức, cá nhân:
Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 không quy định về điều kiện huy động vàng đối với các doanh nghiệp. Hơn nữa, Thông tư 11/2011/TT - NHNN cũng chỉ quy định chấm dứt huy động vốn bằng vàng của các Tổ chức tín dụng. Do đó, hoạt động huy động vàng của các doanh nghiệp được điều chỉnh theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, Luật doanh nghiệp 2014 và Bộ luật dân sự 2005.
Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, việc doanh nghiệp vay vàng của các tổ chức, cá nhân không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, hoạt động này cũng không thuộc hoạt động kinh doanh vàng khác quy định tại Nghị định 24/NĐ- CP. Bởi vì, các doanh nghiệp chỉ vay vàng để làm nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và trả lãi cho người gửi, chứ doanh nghiệp không cho vay lại bằng vàng, không thu phí giữ hộ. Như vậy, hoạt động vay vàng của doanh nghiệp chỉ là một công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh vàng trang sức và nó không phát sinh lợi nhuận. Do vậy, hoạt động này không thể được coi như hoạt động kinh doanh vàng khác theo quy định của Nghị định 24/NĐ-CP.
Theo Hiệp hội, hoạt động kinh doanh vàng khác bao gồm kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn vàng, giao dịch vàng phái sinh (giao dịch vàng kỳ hạn, giao dịch vàng quyền chọn, giao dịch vàng tương lai), quỹ đầu tư vàng...
Hiệp hội kính đề nghị NHNN và Bộ Tư pháp không nên coi hoạt động huy động vàng của các doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh vàng khác để áp đặt doanh nghiệp phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước.
Không cần xin phép kinh doanh vàng miếng đối với các Chi nhánh/ địa điểm kinh doanh trực thuộc Công ty, kể cả thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng:
Khi một doanh nghiệp đã được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng thì đề nghị NHNN cho phép tất cả các Chi nhánh/Địa điểm kinh doanh trực thuộc không phải xin phép nữa mà chỉ cần làm Thông báo tăng mạng lưới mua bán vàng miếng theo nội dung thông tư 16/2012/TT-NHNN.
Ngoài ra, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay địa điểm để kinh doanh đa số là phải đi thuê (VD: các TTTM). Do vậy, việc thay đổi địa điểm kinh doanh là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng, thì các doanh nghiệp phải xin phép NHNN, như vậy sẽ làm mất thời gian, chi phí và làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bởi vậy, Hiệp hội kính đề nghị NHNN xem xét sửa đổi quy định hiện hành theo hướng cho phép các doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho NHNN khi thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì đây là hoạt động đã được NHNN cấp giấy phép, nay do doanh nghiệp phải thay đổi địa điểm kinh doanh nên theo Hiệp hội không cần tiếp tục xin giấy phép cho hoạt động đã được cấp phép.
Giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng:
Hoạt động thử nghiệm vàng cũng không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2014. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 22/2014/TT-BKHCN, doanh nghiệp phải được cấp giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng trước khi thực hiện hoạt động này. Theo Hiệp hội, đây thực chất là giấy phép con không cần thiết, núp bóng dưới giấy chứng nhận. Vì vậy, Hiệp hội kính đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ quy định cấp giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng, mà chỉ quy định các doanh nghiệp đăng ký dịch vụ thử nghiệm vàng với cơ quan quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động này.
Theo kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam/nhandan/Thứ Năm, 30/06/2016, 10:16:29
Bình luận