Chủ nhật, 12/01/2025, 07:28 [GMT+7]

Hoạt động mua bán đã ổn định trở lại

Thứ tư, 24/02/2016 - 16:50'
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, sức mua và doanh thu mùa mua sắm Tết Bính Thân 2016 ước tính tăng 10-20% so với Tết năm ngoái và giá các mặt hàng thiết yếu đều ổn định. Vào mồng 6 Tết (13-2), hoạt động mua bán tại thành phố đã trở lại bình thường nhưng sức mua còn thấp, một số mặt hàng thực phẩm, rau củ quả giá tăng 10-20% so với ngày thường…

 

Nhiều siêu thị ở TP Hồ Chí Minh đã mở cửa hoạt động trở lại từ mồng 2 Tết giúp người tiêu dùng thuận lợi trong việc mua sắm.

Sáng 28 và 29 Tết, nhóm các mặt hàng hoa tươi cao cấp và trái cây chưng Tết giá bán tăng gấp hai, gấp ba lần so với ngày thường. Mỗi bó hoa ly (loại năm cành/bó) giá bán lên đến 600.000 đồng; lan hồ điệp 250.000 đồng/cây, hoa huệ trắng 150.000 đồng/chục, hoa mai và đào do chất lượng hoa không đồng đều nên loại hoa đẹp giá đắt gấp 1,5 lần so với Tết năm ngoái. Đối với mặt hàng trái cây như bưởi, mãng cầu, thanh long vào ngày cận Tết giá tăng gấp hai lần do sức mua tăng mạnh nhưng tiểu thương giảm nhập hàng vì sợ ế hàng. Bưởi Năm Roi loại 1 giá 90.000 đồng/kg; bưởi hồng da xanh loại 1 giá 120.000 đồng/kg; mãng cầu tròn 80.000 đồng/kg; quýt đường 80.000 đồng/kg, thanh long 60.000 đồng/kg.

Đại diện các siêu thị như Co.op mart, Lotte mart, Big C, Citimart, Maximark, Aeon cho biết, doanh thu hàng Tết Bính Thân 2016 tăng bình quân từ 10 đến 20% so mùa Tết năm 2015. Mãi lực đạt mức tăng bình quân hai đến ba lần so với ngày thường, hàng hóa cung ứng cho thị trường đa dạng và giá bán ổn định. Nhờ có sự chuẩn bị trước, hàng hóa cung cấp có thương hiệu, chất lượng cùng với chính sách bình ổn giá và nhiều chương trình khuyến mại lớn đã làm sức mua của các siêu thị tăng mạnh. Tết Bính Thân 2016, hàng Việt chiếm lĩnh thị trường với khoảng 90-95% trong tổng số hàng kinh doanh. Ngoài điều tiết giá cả của thị trường Tết, hàng bình ổn thị trường đã làm tròn vai trò là kênh mua bán tin cậy hàng chất lượng, giá rẻ của người dân thành phố…

Theo Sở Công thương thành phố, từ ngày mồng 4 Tết (11-2), hầu hết các siêu thị, chợ truyền thống đã bắt đầu hoạt động trở lại. Các siêu thị mở cửa từ sáng đến 17 giờ, tuy nhiên các mặt hàng bày bán chưa được đa dạng như ngày thường, chủ yếu tập trung kinh doanh một số mặt hàng hoa quả, rau, củ, thực phẩm tươi sống và một số bánh kẹo. Nhiều chợ truyền thống đã họp lại từ mồng 3 Tết, tiểu thương kinh doanh chủ yếu là các mặt hàng thịt tươi sống, rau, củ, quả và đồ cúng. Lượng người mua hàng còn thấp do lượng thực phẩm dự trữ trước Tết vẫn còn. Giá bán các mặt hàng trái cây và thịt gia súc, gia cầm cơ bản đã giảm về mức giá ngày thường; giá một số loại rau củ tuy vẫn cao hơn so với ngày thường nhưng đã giảm so với thời điểm trước Tết do nguồn cung khá dồi dào, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Các mặt hàng thực phẩm khác như gà ta, dưa leo, khổ qua, cải ngọt, xà lách, giá tăng nhẹ từ 10 đến 20% vào đầu phiên chợ khi lượng khách đến mua đông, nhưng sau đó nhanh chóng giảm trở lại mức bình thường vào buổi trưa.

Mồng 3 Tết, tại các siêu thị, giá tất cả các loại hàng hóa tương đương giá bán ngày thường. Tại siêu thị Co.op mart, thịt bò giá từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg, thịt gà ta 87.000 đồng/kg, cá giá dao động từ 30.000 đến 130.000 đồng/kg. Riêng các mặt hàng bình ổn giá vẫn niêm yết đúng giá cũ. Tại các siêu thị trên địa bàn thành phố, những ngày khai trương đầu năm đều thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi. Theo đó, hàng thực phẩm giảm giá 10-20%, giá các loại hàng hóa khác giảm từ 5 đến 49%.

Ngày mồng 7 Tết (14-2), ghi nhận tại một số chợ truyền thống cho thấy, chợ hoạt động rất sớm nhưng tiểu thương tham gia kinh doanh chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm, rau củ quả. Giá một số mặt hàng như thịt heo, thịt gà, rau xanh cao hơn ngày thường 10-20% nhưng ngày càng giảm. Thịt heo đùi giá 95.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg so với trước Tết), cá diêu hồng 60.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg), cá lóc nuôi 70.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg). Rau sống các loại 25.000 đồng/kg, cải ngọt 20.000 đồng/kg, cà chua 20.000 đồng/kg, khổ qua 30.000 đồng/kg… giá rau xanh tăng bình quân 20% so với ngày thường.

Theo các tiểu thương kinh doanh tại các chợ Hoàng Hoa Thám, Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Hòa Hưng (quận 10), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), giá một số thực phẩm tươi sống nhích hơn so với ngày thường là do nguồn cung chưa đầy đủ và những mặt hàng này sẽ ổn định sau ngày mồng 10 Tết. Phó Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai Trần Thị Thái Thanh cho biết thêm, đến ngày mồng 5 Tết (12-2), nhiều sạp tại chợ vẫn chưa mở cửa hoạt động lại, chủ yếu là những hộ buôn bán nhỏ chung quanh chợ hoạt động nên giá cả có phần nhỉnh hơn so với trước Tết. Tuy nhiên, mức tăng giá không nhiều, chỉ tập trung vào các mặt hàng rau xanh.

Theo Đại Đồng/nhandan/Thứ Ba, 16/02/2016, 07:13:42

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...