Không để Việt Nam trở thành “bãi rác” tàu cũ
Việc làm này của Bộ NN&PTNT được dư luận đồng tình ủng hộ vì đã kịp thời ngăn chặn việc nhập khẩu tàu đã quá cũ, vừa không phát huy được hiệu quả, vừa gây lãng phí tiền của.
Tàu cá vỏ sắt Sang Fish 01 được đóng theo chương trình hỗ trợ vốn của Chính phủ. Ảnh: TTXVN
Nhập khẩu tàu phải bảo đảm 4 điều kiện
Theo ông Đào Hồng Đức - Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), hiện Tổng cục mới nhận được đề xuất xin nhập khẩu tàu cũ của 2 công ty nhằm mục đích giúp ngư dân khai thác cá trên biển. Theo đó, vào tháng 7, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt đã có tờ trình các bộ, ban, ngành và Chính phủ xin nhập 50 tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ, đóng mới 20 tàu làm dịch vụ hậu cần thu gom sản phẩm và 2 tàu vỏ thép cứu hộ cứu nạn, với 13/14 tàu có tuổi trên 15 năm, 1 tàu có tuổi là 12 năm. Trong đó, nhiều tàu đóng từ năm 1978, 1982, đến nay đã trên 30 năm hoạt động…
Với việc xin nhập khẩu tàu như vậy, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị bác bỏ, bởi không đủ các điều kiện theo Nghị định số 52/2010/NĐ-CP là: Tàu phải có nguồn gốc hợp pháp, là tàu vỏ thép tổng công suất máy chính từ 400 CV (mã lực), tuổi tàu không quá 8 năm tính từ năm đóng mới đến thời điểm nhập khẩu và máy chính của tàu tính từ năm sản xuất đến thời điểm nhập khẩu không quá 10 năm; được cơ quan đăng kiểm tàu cá Việt Nam đăng kiểm trước khi đưa tàu về Việt Nam (đối với tàu cá đã qua sử dụng).
Còn Công ty Đức Khải đề xuất dự án xin nhập khẩu 100 tàu cá có công suất từ 500-1.500 CV để đánh bắt, khai thác thủy hải sản xa bờ với kinh phí là 1.500 tỷ đồng, trong đó vốn vay là 1.350 tỷ đồng (chiếm 90%) và vốn tự có là 150 tỷ đồng (chiếm 10%). Đề xuất này cũng bị Bộ NN&PTNT bác, nguyên nhân chủ yếu là các tàu do DN đề xuất nhập khẩu này quá cũ, đều sản xuất từ năm 1985, còn tàu đóng mới không đáp ứng được điều kiện vay vốn ưu đãi theo quy định hiện hành.
Theo Bộ NN&PTNT, khi các doanh nghiệp muốn nhập khẩu tàu cá phải liên hệ để các đơn vị chức năng của Bộ NN&PTNT sẽ đến nước xuất khẩu để kiểm tra chất lượng và đánh giá từng con tàu. Đối với tàu nhập khẩu, bắt buộc phải theo đúng quy định của Nghị định 52/2010/NĐ-CP. Nghị định 67 của Chính phủ chỉ có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đặt hàng đóng tàu mới và nâng cấp tàu, vì vậy doanh nghiệp nhập khẩu tàu cũ thì cũng không được ưu đãi. Điều đáng nói là, trước việc Bộ NN&PTNT bác đề xuất nhập khẩu tàu cũ, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy hải sản Trí Việt lại tỏ ý tán thành. Điều này cho thấy sự không đồng nhất trong quan điểm của công ty với việc làm tờ trình gửi các bộ, ban, ngành về việc cho phép nhập khẩu 50 tàu cũ.
Không đầu tư ồ ạt gây lãng phí tiền của
Để các tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn về Nghị định 67 của Chính phủ, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25-8-2014. Về điều kiện vay, Thông tư quy định, tàu đóng mới phải có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên; nâng cấp tàu có tổng công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. Thời hạn cho vay đóng tàu mới do Ngân hàng Thương mại và chủ tàu thỏa thuận, nhưng thời gian được Nhà nước hỗ trợ lãi suất không quá 11 năm kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Thời hạn cho vay vốn lưu động do Ngân hàng Thương mại và chủ tàu thỏa thuận, nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng. Việc giải ngân các khoản cho vay theo Thông tư này được thực hiện đến hết ngày 31-12-2015.
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), để Nghị định 67 của Chính phủ về phát triển thủy sản mang lại hiệu quả trong việc đóng mới tàu, nâng cấp tàu, trong dự thảo Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đóng mới 2.079 chiếc tàu khai thác và 200 tàu dịch vụ bao gồm cả tàu vỏ sắt, vật liệu mới, vỏ gỗ…
Hiện Bộ NN&PTNT đã gửi dự thảo này cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để lấy ý kiến, trên cơ sở phát triển quy hoạch về thủy sản của các địa phương, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra quyết định cuối cùng bảo đảm cho việc đóng tàu mới hay nâng cấp tàu cũ phù hợp với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, việc đóng tàu mới cần phải theo đúng quy hoạch, tránh việc đầu tư ồ ạt, không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Việc Nhà nước tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và hậu cần nghề cá là cần thiết để từng bước giảm số lượng tàu công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; đồng thời chuyển dần từng bước đánh bắt xa bờ với các loại tàu công suất lớn mang lại hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo, để ngư dân yên tâm sản xuất. Còn đối với việc nhập khẩu tàu cũ của các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện giám định chất lượng, khảo sát tuổi tàu và mục đích sử dụng để có phương án giải quyết hợp lý, bảo đảm tính khả thi, kiên quyết không để Việt Nam trở thành "bãi rác" tàu cũ của thế giới.
Theo Ngọc Quỳnh/hanoimoi
Bình luận