Không còn áp lực vì lãi suất
Nếu thời điểm này những năm trước, lãi suất liên tục tăng vì nhu cầu vốn lớn, nhưng trong những tháng cuối năm nay, lãi suất không những không tăng mà còn có dấu hiệu giảm. Việc 4 ngân hàng thương mại nhà nước đồng loạt giảm lãi suất huy động VND 0,3-0,5%/năm cho thấy nguồn cung vốn khá dồi dào, dư địa cho việc điều chỉnh lãi suất vẫn còn.
Sau Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, đã có 2 ngân hàng thương mại cổ phần hưởng ứng vào làn sóng giảm lãi suất là LienVietPostBank và MB. Mức lãi suất mà những ngân hàng lớn điều chỉnh giảm đối với các kỳ hạn ngắn, trong đó loại không kỳ hạn và dưới 1 tháng còn 0,3-0,5%/năm, từ 1 tháng đến dưới 3 tháng: 4,2-4,3%/năm, từ 3 tháng đến dưới 5 tháng: 4,8%/năm, từ 5 tháng đến dưới 6 tháng: 5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 9 tháng: 5,3%/năm, từ 9 tháng đến dưới 12 tháng: 5,5%/năm. Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng này là giải pháp tích cực nhằm giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của DN và nền kinh tế.
Mặc dù hầu hết các ngân hàng khác vẫn chưa có thông báo về việc giảm lãi suất theo những ngân hàng thương mại lớn, nhưng sự điều chỉnh của các ngân hàng trên cũng làm biểu lãi suất bình quân của cả hệ thống giảm so với trước. Được biết, trong tuần cuối của tháng 9, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng: 0,8-1%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng: 4,5-5,4%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng: 5,4-6,5%/năm; trên 12 tháng: 6,4-7,2%/năm. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên:
6-7%/năm (ngắn hạn), 9-10%/năm (trung, dài hạn). Lãi suất cho vay các lĩnh vực SXKD thông thường: 6,8-9%/năm (ngắn hạn) và 9,3-11%/năm (trung, dài hạn). Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn: 4-5%/năm.
Theo lãnh đạo một ngân hàng có hội sở ở Hà Nội, các ngân hàng vẫn đang thăm dò thị trường, cũng như quan sát quyết định giảm lãi suất của các ngân hàng lớn có gây tác động thiếu tích cực tới người gửi tiền là rút tiền mang gửi ngân hàng khác có lãi suất cao hơn. Sự thận trọng này của khối các ngân hàng cổ phần cũng khiến lãi suất huy động VND chưa thể giảm nhanh, nên dư địa để giảm lãi suất cho vay cũng không có nhiều.
Theo Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, TS Nguyễn Đức Hưởng: Lãi suất cho vay cũng có thể giảm, nhưng chỉ ở mức nhẹ vì trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay, giữ ổn định lãi suất đã là thắng lợi. Nếu giảm lãi suất quá mạnh sẽ dễ bị rơi vào "bẫy" thanh khoản, người gửi tiền sẽ rút tiền từ ngân hàng để đầu tư kênh khác, đẩy ngân hàng vào nguy cơ thiếu vốn, khi đó các ngân hàng sẽ lại phải đua nhau tăng lãi suất. Đồng quan điểm với TS Nguyễn Đức Hưởng, lãnh đạo nhiều ngân hàng khác cũng cho rằng, không dễ giảm lãi suất trong thời điểm này, vì phải chủ động kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn. Nếu giảm lãi suất huy động quá nhiều, vốn huy động có thể giảm đột ngột do người gửi tiền chuyển sang gửi ở ngân hàng khác, ảnh hưởng đến các hệ số an toàn hoạt động của ngân hàng về tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung, dài hạn.
Lãi suất cho vay SXKD thông thường đang ở mức bình quân 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Mặc dù đây chưa phải ngưỡng kỳ vọng của DN trong bối cảnh phải đối mặt với quá nhiều áp lực cạnh tranh khi Việt Nam gia nhập sâu hơn vào các tổ chức kinh tế thế giới, nhưng so với những thời điểm trước, đây vẫn là ngưỡng chấp nhận được. Sự ổn định của lãi suất cho vay trong thời gian từ nay đến cuối năm cũng tạo tâm lý thoải mái cho DN, giúp DN thoát khỏi lo lắng về nguy cơ lãi suất tăng làm tăng chi phí SXKD của DN.
Theo Đức Anh/hanoimoi/07:24 Thứ Ba ngày 11/10/2016
Bình luận