Kinh tế trong tuần: Giá vàng lao dốc
Giá vàng xuống mức thấp nhất trong 5 năm
Trong tuần qua, giá vàng đã trở lại thành tâm điểm của mọi sự chú ý khi giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm kể từ 2010. Bất chấp cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp hay bất ổn của thị trường chứng khoán Trung Quốc, giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh.
Điều này đã tác động mạnh tới giá vàng trong nước. Sáng 16/7, giá vàng miếng trong nước bất ngờ sụt tới 300.000 đồng/lượng. So với thời điểm đầu tháng 7, giá vàng SJC đã sụt 1 triệu đồng/lượng và đây cũng là xu hướng của giá vàng trong 3 tháng trở lại đây. Một lượng vàng SJC đã “bốc hơi” tổng cộng 1,8 triệu đồng/lượng so với 3 tháng trước.
Sang ngày 17/7, giá vàng sau khi rớt sâu dưới ngưỡng 33 triệu đồng/lượng vào buổi sáng đã lại tăng vượt xa mức giá này vào buổi chiều. Như vậy, những người bán vàng trong buổi sáng có thể chịu thiệt tới 600.000 đồng/lượng. Thậm chí, do sự biến động và khó lường của giá vàng, biểu đồ của một tập đoàn kinh doanh vàng bạc, đá quý lớn là DOJI đã phải điều chỉnh giá khoảng 80 lần kể từ đầu giờ sáng tới 15 giờ 30 phút.
Ngày 18/7, giá vàng tiếp tục tăng, giảm liên tục và với biên độ rộng. Rủi ro tăng cao khiến các công ty kinh doanh vàng niêm yết giá với khoảng cách giá mua và bán lên tới 250.000-300.000 đồng/lượng, so với mức chỉ vài chục nghìn đồng trước đây.
Trong phiên giao dịch ngày thứ sáu (17/7), theo giờ địa phương, giá vàng thế giới cũng tiếp tục giảm mạnh, chốt phiên tại thị trường New York giảm 11,3 USD/oz, tương đương mức giảm gần 1%, còn 1.134,3 USD/oz. Nguyên nhân chính là do thị trường thất vọng khi Trung Quốc lần đầu tiên sau 6 năm công bố số liệu về dự trữ vàng ở mức 1.658 tấn vàng dự trữ, thấp hơn dự báo của giới chuyên gia.
Trước đó, giá vàng cũng đã chịu sức ép mạnh khi kinh tế Mỹ được đánh giá khả quan và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất đồng USD trong năm nay.
Nhập siêu 3,07 tỷ USD trong 6 tháng
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu của năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 158,6 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK đạt 77,77 tỷ USD, tăng 9,3% và NK đạt 80,84 tỷ USD, tăng 16,7%, dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2015 ở mức 3,07 tỷ USD.
Khu vực các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng kim ngạch XNK trong 6 tháng năm 2015 là 100,7 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 63,5% trong tổng trị giá XNK hàng hóa của cả nước.
Trong khi đó, tổng kim ngạch XNK của khối các DN trong nước chỉ đạt gần 57,9 tỷ USD, tương đương mức XNK thực hiện được trong cùng kỳ năm 2014. XK hàng hóa của khối các DN trong nước giảm mạnh trong 6 tháng, thì ngược lại, khối các DN FDI đạt mức tăng trên 20%.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2015, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác lớn nhất của Việt Nam khi XK sang thị trường này đạt 15,79 tỷ USD tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp hàng hóa vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2015 với trị giá là 24,22 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2014. Nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc cũng đạt mức khá cao với 17,73 tỷ USD, tăng 31%.
Gần 4 tỷ USD xây 2 nhà máy nhiệt điện lớn
Sáng 18/7, tại Hà Nội, các bên liên quan đã tổ chức Lễ công bố khởi công xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Đây là dự án nhiệt điện đầu tiên sử dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn đốt than phun (ngọn lửa hình chữ W) sử dụng than antraxit Việt Nam.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đặt tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) với công suất 2x600 MW. Tổng mức đầu tư dự kiến 1,755 tỷ USD.
Dự án do Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam Trung Quốc, Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc và Tổng Công ty Điện lực Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) góp vốn đầu tư, với tỷ lệ đóng góp cổ phần tương ứng là 55%, 45% và 5%.
Dự án được thực hiện theo hình thức “Vận hành-kinh doanh-chuyển giao” (BOT); thời gian xây dựng 48 tháng, thời gian vận hành và kinh doanh dự kiến 25 năm. Sau đó, Nhà máy được chuyển giao vô điều kiện cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Việt Nam.
Căn cứ vào Hợp đồng BOT, Tổ máy 1 sẽ vận hành thương mại trong tháng 12/2018. Tổ máy 2 sẽ vận hành thương mại vào tháng 6/2019.
* Trước đó vào ngày 13/7, Tập đoàn TKV và UBND tỉnh Nghệ An đã ký biên bản thống nhất giữa hai bên về tiến độ triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 nằm trong quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Công nghiệp Đông Hồi tỉnh Nghệ An với quy mô 2 tổ máy công suất 1.200 MW có tổng mức đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD do TKV làm chủ đầu tư, sẽ được khởi công trong tháng 10/2015 và phấn đấu hoàn thành trong năm 2020.
6 Tổng công ty thuộc EVN được xếp hạng đặc biệt
Trong tuần, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của các Bộ về việc vận dụng xếp hạng Tổng công ty hạng đặc biệt đối với 6 Tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gồm: Tổng công ty Điện lực miền Bắc; Tổng công ty Điện lực miền Nam; Tổng công ty Điện lực miền Trung; Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội; Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh; Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.
Nhiều kỳ vọng vào thủy sản, da giày
Nhiều mã cổ phiếu thủy sản, dệt may, da giày, nông sản đã tăng nóng từ 10-30% khi được nhiều nhà đầu tư săn tìm với kỳ vọng những ngành hàng sẽ trực tiếp hưởng lợi từ thuế xuất khẩu sau khi các hiệp định tự do thương mại FTA, TPP được ký kết.
Tuy rằng tình trạng xuất khẩu của những ngành hàng này trong 6 tháng đầu năm không thật sự khả quan, nhiều nhà đầu tư vẫn dành nhiều kỳ vọng bởi theo chu kỳ, lượng xuất khẩu của các mặt hàng này sẽ tăng cao vào hai quý cuối năm. Ngoài ra, tiến trình đàm phán TPP sẽ được thúc đẩy nhanh trong thời gian tới sẽ là sự hỗ trợ thông tin quan trọng trong nửa cuối năm nay với nhóm ngành này.
Tuy vậy, một số chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư chỉ nên tập trung vào những công ty có cơ cấu hàng tinh chế cao, khả năng tự chủ nguyên liệu tốt…
* Ngày mai (20/7), “quả bom tấn” trong lĩnh vực nông nghiệp là Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (Mã CK: HNG) sẽ chính thức giao dịch trên Sở GDCK TPHCM.
HNG được chính thức giao dịch với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 28.000 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá trong ngày đầu tiên là +/-20%. Đây thực sự là thương vụ niêm yết “bom tấn” kể từ đầu năm 2015 tới nay vì nếu tính theo giá tham chiếu chào sàn, HAGL Agrico được định giá ở mức hơn 19.820 tỷ đồng, tiệm cận với “top 10” thị trường.
Hiện nay, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (mã CK: STB) có vốn hóa nhỏ nhất trong “top 10” này, tương đương 21.822 tỷ đồng.
Theo Công Việt/Chinhphu/14:23, 19/07/2015
Bình luận