Thứ bảy, 11/01/2025, 22:25 [GMT+7]

Nâng sức cạnh tranh để... tồn tại

Thứ ba, 04/07/2017 - 17:14'
Trước sự lấn sân và liên tục mở rộng quy mô của các tập đoàn bán lẻ lớn quy mô thế giới, các nhà bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thử thách. Để tồn tại, doanh nghiệp bán lẻ nội địa phải ứng dụng khoa học công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo nguồn lực chuyên sâu... nhằm tìm hướng đi riêng và nâng sức cạnh tranh.

Nhân viên giới thiệu với khách hàng các sản phẩm được bày bán tại siêu thị của Co.opmart. Ảnh: Hải Anh

Đuối sức cạnh tranh

Với quy mô đầu tư 110 tỷ USD năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Những thương hiệu nổi tiếng về bán lẻ như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)… đã không còn xa lạ đối với người tiêu dùng ở các đô thị lớn. Có thể thấy, sự “đổ bộ” của các tập đoàn bán lẻ lớn đã tạo sự sôi động cho thị trường bán lẻ Việt Nam, giúp người dân được tiếp cận với kênh bán lẻ hiện đại. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước yếu về vốn, quy mô, quản trị, sự chuyên nghiệp nên đuối sức cạnh tranh, bị doanh nghiệp nước ngoài vượt xa và nhanh chóng thâu tóm thị trường. Thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, doanh số bán ra tại một điểm bán lẻ của khối doanh nghiệp nước ngoài cao gấp 7 - 8 lần so với doanh số một siêu thị nội địa.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thu nhập giảm dẫn đến thói quen mua sắm của người dân cũng thay đổi, chỉ tập trung cho các hàng hóa thực sự thiết yếu. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập, phát triển tự phát, không đồng đều, nhất là các loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng... tập trung chủ yếu vào khu vực nội thành nơi có nhiều lợi thế về thương mại. Ở khu vực ngoại thành, sức mua thấp, thói quen mua sắm tại hệ thống thương mại hiện đại hạn chế nên khó mời gọi được các doanh nghiệp đầu tư. 

Tăng nội lực cho doanh nghiệp

Để tăng khả năng cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SaiGon Co.op), Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Tập đoàn Phú Thái... không ngừng phát triển hệ thống, áp dụng công nghệ mới. 

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, hệ thống Co.opmart đang chạy thử một số hạng mục dựa trên nền tảng công nghệ như thanh toán tự động ở phân khúc cao, phát triển phục vụ đa kênh. Ngoài bán lẻ theo phương thức truyền thống, bán hàng qua kênh truyền hình, Co.opmart đang trong giai đoạn hoàn chỉnh kênh bán hàng online. Dự tính đến năm 2019 cụm này sẽ được đưa vào hoạt động.

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại Big C Việt Nam thì cho biết, với hệ thống siêu thị Big C, tương tác qua mạng cộng đồng là bước đi chậm nhưng chắc để lắng nghe ý kiến phản hồi từ người tiêu dùng. Đây sẽ là căn cứ để đánh giá thay đổi yêu cầu của khách hàng so với trước đây.

Tại Hà Nội, để hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn; tăng cường công tác xã hội hóa đầu tư, quản lý các chợ trên địa bàn nhằm mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa cho doanh nghiệp; chủ trì phối hợp với các đơn vị đề xuất thành phố đầu tư, cải tạo lại các chợ đã xuống cấp trầm trọng. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ và tăng cường thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ logistic trên địa bàn, trọng tâm là 2 dự án tại huyện Sóc Sơn và huyện Phú Xuyên. 

Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng. Cùng với đó là triển khai các khóa đào tạo, lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho doanh nghiệp kỹ năng quản lý, bán hàng, phát triển thương hiệu, ứng dụng công nghệ mới... để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.

Theo Thanh Hiền/hanoimoi/07:12 Thứ Ba ngày 04/07/2017

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...