Chủ nhật, 12/01/2025, 02:40 [GMT+7]

Phát triển cây ăn quả, từ sản xuất đến thị trường

Thứ ba, 30/08/2016 - 08:24'
Tám tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu rau quả, trái cây của cả nước đạt 1,57 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục là điểm sáng và thuộc nhóm hàng đạt tăng trưởng dẫn đầu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam. Để phát huy đến mức cao nhất lợi thế ngành hàng, nhiều địa phương trong cả nước, nhất là “vựa cây ăn quả” đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tìm kiếm giải pháp để tổ chức lại sản xuất và kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả.

Thu hoạch bưởi năm roi tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TRUNG HIẾU

Bài 1: Lượng tăng, chất chưa tăng

Được xác định là ngành có lợi thế cạnh tranh, thị trường thuận lợi, có thể phát triển hơn nữa, nhiều địa phương đã quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực tập trung, vùng rau màu chuyên canh, đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, áp dụng công nghệ cao và sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu,...

Mơ rộng diện tích cây ăn trái

Hợp tác xã Mỹ Thạnh An (xã Phú Nhuận, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) nổi tiếng về sản xuất và tiêu thụ bưởi da xanh. Ông Lê Tân Kỳ, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Mỹ Thạnh An cho biết: HTX hiện có 42 hội viên, mỗi năm cung cấp, gia công, đóng gói khoảng 120 tấn hoa quả các loại (chủ yếu là bưởi da xanh) phân phối cho siêu thị, chợ đầu mối. Tại tỉnh Bến Tre, bưởi da xanh được đưa vào nhóm cây ăn quả chất lượng cao, có tiềm năng và lợi thế thị trường trong và ngoài nước. Bưởi da xanh được xem là một trong năm loại cây ăn trái đặc sản, chủ lực có lợi thế trong phát triển kinh tế vườn của xứ dừa. Hiện nay, diện tích trồng bưởi da xanh toàn tỉnh là gần 6.000 ha, chiếm 20% diện tích cây ăn trái; trong đó diện tích đã và đang cho trái đạt hơn 4.000 ha, năng suất 11,4 tấn/ha, sản lượng 47.670 tấn. Hiệu quả kinh tế từ cây bưởi da xanh mang lại vượt trội so với các loại cây trồng khác, bình quân cho thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm.

Không chỉ ở Bến Tre, nhiều địa phương khu vực ĐBSCL cũng dành nhiều diện tích đất trồng cây trái. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT), tính đến năm 2015, diện tích cây ăn trái vùng ĐBSCL là 307,06 nghìn ha, chiếm 37,5% diện tích cây ăn trái cả nước. Tập trung phần lớn ở các tỉnh Tiền Giang (gần 71 nghìn ha), Vĩnh Long (khoảng 42 nghìn ha), Bến Tre (khoảng 27.500 ha), Hậu Giang (hơn 27 nghìn ha), Sóc Trăng (27.500 ha) và Đồng Tháp (22.500 ha), với nhiều loại cây đặc sản như: xoài, chuối, bưởi, chôm chôm, sầu riêng…

Theo đánh giá chung của những người trực tiếp sản xuất và kinh doanh tại các địa phương, sản lượng sản phẩm cây ăn trái so với những năm trước tăng đáng kể, nhưng nhìn chung chất lượng sản phẩm còn thấp, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Cũng theo Chủ nhiệm HTX Mỹ Thạnh An, cùng một mặt hàng bưởi mà phải chia làm bảy, tám loại quả theo chất lượng khác nhau. Diện tích đất sản xuất của hộ nông dân nhỏ lẻ, không tập trung, nhiều vườn bưởi già cỗi do người trồng thiếu thông tin, kiến thức, không biết cách chăm sóc và tái canh. Do vậy, bưởi có chất lượng tốt thường không nhiều, khó thu mua với số lượng lớn. Sản lượng bưởi đạt chuẩn chất lượng VietGAP và GlobalGAP còn ít, diện tích nhỏ, cho nên chưa ổn định được nguồn cung sản phẩm.

Còn đó những nỗi lo

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Phan Thị Thu Sương, không chỉ riêng bưởi da xanh mà hiện nay nhiều loại trái cây ở Bến Tre đang gặp trở ngại khi chất lượng sản phẩm không đồng đều, sản lượng thấp, giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Nguyên nhân là do ở nhiều nơi người dân trồng cây ăn trái ngoài vùng quy hoạch, không hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu dẫn đến chất lượng quả thấp. Trong khi đó, sản lượng trái cây có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít. Thị trường luôn biến động, nhưng hiện nay, các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ và sự gắn kết chuỗi giá trị sản phẩm chưa thật sự chặt chẽ, còn mang tính hình thức, vì vậy hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, tình hình dịch hại cây trồng ngày càng diễn biến phức tạp, chi phí đầu vào như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật những năm gần đây tăng liên tục khiến giá thành nhiều loại trái cây của chúng ta cao hơn so với các nước có cùng loại sản phẩm. Sự liên kết giữa người sản xuất với nhau còn lỏng lẻo, giữa người sản xuất và nhà doanh nghiệp chưa bền vững. Doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực cây ăn quả rất ít và chưa đủ mạnh, thiếu gắn kết với vùng nguyên liệu.

Liên quan những hạn chế trong việc phát triển cây ăn quả hiện nay, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền nam Võ Hữu Thoại cho rằng: Mối liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp nói chung, cây ăn trái nói riêng. Tuy nhiên, mối liên kết bốn nhà hiện nay chưa thật sự chặt chẽ. Thể hiện rõ nhất là quyền lợi và trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan, chưa có tính ràng buộc về mặt pháp lý, mạnh ai nấy làm. Ở nhiều địa phương, triển khai xong mối liên kết “bốn nhà” được một thời gian thì “nhà nào lại về nhà nấy”. Để mối quan hệ bốn nhà được bền chặt, nhất thiết phải có vai trò dẫn dắt, tổ chức của một trong bốn tác nhân. Cần có quy chế ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan.

Một trong những vấn đề tồn đọng lớn nhất hiện nay ảnh hưởng đến giá trị của trái cây Việt Nam là vấn đề bảo quản sau thu hoạch. Khâu này chủ yếu vẫn dùng biện pháp thủ công. Việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói bao bì, bảo quản không đúng cách dẫn đến tỷ lệ hư hỏng do dập nát, thối nhũn của trái cây rất cao (25 đến 30%). Sự kiểm soát nấm bệnh gây hại sau thu hoạch còn hạn chế và việc thu hoạch vận chuyển chưa cẩn thận dễ gây tổn thương, hư hỏng...

Công nghệ xử lý cơ bản sau thu hoạch là bảo quản lạnh đã được ứng dụng ở nhà sơ chế và đóng gói, nhưng hiệu quả chưa cao với nhiệt độ và phương thức vận hành bảo quản chưa phù hợp việc quản lý chuỗi lạnh sản phẩm (trái dễ bị tổn thương lạnh và khả năng làm lạnh chậm). Các bao bì đóng gói chưa phù hợp và chưa được sử dụng hợp lý để nâng cao hiệu quả bảo quản sau thu hoạch cho trái cây (bao gói đục quá nhiều lỗ và vẫn có hiện tượng đọng ẩm, các bao bì thùng các-tông thấm nước và nhiều lớp cứng, dày, dễ gây đổ ngã trong quá trình chất xếp hàng). Các chất bảo quản xử lý sau thu hoạch sử dụng không đúng phương pháp và nồng độ xử lý quá cao. Quá trình kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng trái cây tươi cũng chưa xuyên suốt đồng bộ và bị tách riêng rẽ thành nhiều khâu trung gian dễ gây thất thoát và tổn thất sau thu hoạch. Thông tin về tiêu chuẩn và yêu cầu chất lượng cho sản phẩm trái cây các thị trường chưa được phổ biến đến người sản xuất một cách đầy đủ, rõ ràng.

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại không đến được với người sản xuất. Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp có quy định về điều kiện hỗ trợ cho vay vốn: Các tổ chức, cá nhân phải có dự án đầu tư được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Duy Kha, ấp 4, xã Nhơn Thạnh (TP Bến Tre) cho rằng, vấn đề này không đơn giản, bởi lẽ: Tổn thất sau thu hoạch rất lớn nhưng phần lớn các hộ gia đình canh tác với diện tích manh mún, nhỏ lẻ thì làm sao xây dựng được dự án để tiếp cận được nguồn vốn vay từ chính sách này. Bên cạnh đó, mặt hàng rau, hoa quả thất thoát sau thu hoạch với tỷ lệ cao nhất nhưng chỉ được vay bằng 70% giá trị dự án. Điều đó khiến người nông dân phải tiếp cận các nguồn vốn khác và phải chịu lãi suất cao hơn nhiều...

(Còn nữa)

Theo Tâm Thời, Nhung Huệ/nhandan/thứ Hai, 29/08/2016, 20:33:37

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...