Chủ nhật, 12/01/2025, 14:59 [GMT+7]

Tăng thị phần hàng Việt trên thị trường nội địa

Thứ tư, 14/05/2014 - 08:06'
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt tại các kênh phân phối lên hơn 80%. Đây có thể xem là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) trong nước nâng cao vị thế của mình tại thị trường nội địa.

Với khoảng 90 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, nhưng lại chưa được các DN trong nước khai thác hiệu quả. Hàng hóa Việt Nam dù đã gần hơn với người tiêu dùng (NTD), song nạn hàng giả, hàng nhái vẫn hoành hành và DN vẫn gặp nhiều trở ngại khi đưa hàng đến với người dân vùng sâu, vùng xa. CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động từ tháng 8-2009 được xem là giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy thị trường trong nước phát triển bền vững. 

Hàng Việt Nam ngày càng có uy tín trên thị trường nội địa. Ảnh: Bá Hoạt

Hàng Việt Nam ngày càng có uy tín trên thị trường nội địa. Ảnh: Bá Hoạt

Đến nay, hàng hóa Việt Nam đã đáp ứng một phần nhu cầu và dần chiếm được tình cảm của NTD. Tuy nhiên, các chương trình phủ sóng hàng Việt vẫn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn nông thôn nên dù là khu vực chiếm tới 70% doanh số hàng tiêu dùng nhưng DN chưa khai thác hiệu quả. Hàng Việt chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng chỉ được bày bán chủ yếu tại các hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại… vốn được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và xuất xứ hàng hóa. Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, sản phẩm hàng Việt chủ yếu là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được phân phối qua mạng lưới chợ, cửa hàng tạp hóa. Các nhóm sản phẩm như may mặc, đồ điện tử, đồ gia dụng… chiếm tỷ lệ rất nhỏ do hệ thống siêu thị chưa phát triển tại khu vực này. Bên cạnh đó, việc quảng bá sản phẩm của DN còn yếu khiến nhiều mặt hàng sản xuất trong nước chưa cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu tương ứng cùng loại. 

Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020. Đề án được triển khai góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt thông qua việc tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam", đồng thời lồng ghép vào chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị hưởng ứng CVĐ để tạo hiệu ứng mạnh trên phạm vi toàn quốc. 

Đề án cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp cần thực hiện, gồm thay đổi về nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt Nam; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ NTD. Riêng với nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững sẽ xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia, có tính liên kết vùng miền giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước để mở rộng độ bao phủ hàng hóa, tăng sự hiện diện của hàng Việt trên thị trường trong nước. Đồng thời, tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động bán hàng Việt theo hướng bền vững. 

Trong giai đoạn 2014-2020, nhóm giải pháp này sẽ thực hiện 4 chương trình, gồm hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên cả nước; xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam"; xây dựng kho phân phối hàng Việt Nam tại địa bàn nông thôn; tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các DN sản xuất và phân phối cần có sự kết nối chặt chẽ, từ đó hỗ trợ nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm, tăng sự hiện diện của hàng Việt trên thị trường "nội".

 

Theo Thanh Hiền/HNM

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...