Thứ bảy, 11/01/2025, 23:41 [GMT+7]

Tổ chức lại kênh phân phối hàng hóa để phát triển thương mại bền vững

Thứ ba, 28/03/2017 - 09:38'
Hệ thống phân phối (HTPP) hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của quá trình sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, HTPP hàng hóa của Việt Nam phát triển tự phát, cho nên đang bộc lộ nhiều bất cập. Việc tổ chức lại các kênh phân phối là đòi hỏi cấp bách, giúp ổn định thị trường, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho hàng hóa, phát triển tiêu dùng...

Khách hàng lựa chọn rau tại siêu thị Coopmart (Hà Nội).

Bài 1: Nhiều yếu tố gây “đội” giá

Một nghịch lý đang tồn tại trong HTPP của nước ta là giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng thường bị “đội” lên gấp nhiều lần so với giá sản xuất ban đầu. Sự tồn tại của quá nhiều khâu trung gian đang chiếm dụng phần lớn các khoản lời sinh ra từ chuỗi thương mại hàng hóa. Trong khi đó, nhà sản xuất và người tiêu dùng, với vai trò hai đầu cầu chính trong cả chuỗi giá trị lại được hưởng lợi ít nhất, thậm chí còn bị o ép, chịu thiệt thòi. Phải chăng, xóa bỏ hết các khâu trung gian là có thể giải quyết được bất cập này của các kênh phân phối?

Trung gian chiếm 60% lợi nhuận

Chị Nguyễn Thị Hải, một nông dân ở thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chủ của gần bốn sào cà chua, bắp cải, đậu... canh tác sạch, cho biết: Chuyện được mùa mất giá, mất mùa được giá thường xuyên xảy ra. Thông thường, cà chua đầu mùa còn bán được giá, trung bình 10 đến 15 nghìn đồng/kg, song vào vụ thu hoạch rộ, giá giảm ngay, có lúc xuống chỉ còn 5 đến 6 nghìn đồng/kg, nói chung giá bấp bênh, tiêu thụ không ổn định. Nhiều lúc, bắp cải, cà chua chín nẫu ở ruộng mà giá rẻ quá, hầu như chẳng ai mua cho nên chẳng buồn thu hoạch, cứ để hỏng, phải mang về cho lợn hoặc bón đất. Chị Hải cũng như nhiều nông dân ngoại thành Hà Nội chỉ biết tự trồng, tự tiêu thụ sản phẩm ngay tại chợ làng; muốn đầu tư canh tác quy mô lớn hơn cũng sợ không tiêu thụ được sản phẩm. Tại một số vùng trồng cà chua khác của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, mặc dù có thương lái về tận nơi thu mua, nhưng nông dân cũng đang khốn khổ vì giá năm nay giảm mạnh. Có thể nói, chưa năm nào giá cà chua rẻ như vậy, cao nhất chỉ được ba nghìn đồng/kg và còn tụt giá tại thời điểm chín rộ; giá cà chua tại chợ đầu mối của Bắc Ninh cũng chưa đến hai nghìn đồng/kg. Trong khi đó, tại chợ Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội), nơi cách Phượng Nghĩa chưa đầy 25 km, bác Hiền, một cán bộ về hưu trú tại đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) lại rất phấn khởi vì mua được cà chua tươi mọng với giá 10 nghìn đồng/kg. Bác Hiền chia sẻ: “Hôm qua, con gái tôi mua cà chua tại siêu thị giá tận 20 nghìn đồng/kg mà không ngon được như loại này. Lần này về phải dặn nó, mua rau củ cứ phải ra chợ cho rẻ”.

Có thể thấy, câu chuyện trên đang phản ánh sự bất hợp lý trong hệ thống phân phối hàng hóa của nước ta hiện nay, khi giá hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng bị “đội” lên quá nhiều, thậm chí hàng chục lần. Điều đó cũng cho thấy, nhu cầu của người sản xuất và người mua chưa gặp nhau. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết: Cà chua Bắc Ninh không phải trường hợp cá biệt. Trứng gà tại Vĩnh Phúc giá 20 nghìn đồng/chục, vận chuyển hơn 65 km về Hà Nội, bán trong các siêu thị giá đã lên gần 50 nghìn đồng/chục; su hào Phúc Thọ “đi” 30 km về trung tâm Hà Nội, giá cũng bị “đẩy” từ ba nghìn đồng/củ lên ít nhất 10 nghìn đồng/củ hay chanh từ nhà vườn ở Đồng Tháp chỉ 1.500 đồng/kg, chở ra Hà Nội, giá bán lên đến 20 đến 30 nghìn đồng/kg, cao gấp cả chục lần. Rau mất giá, lợn sụt giá,… nhưng giá ngoài chợ hay trong siêu thị vẫn “nghễu nghện”. Thực tế, mỗi mớ rau, quả trứng,… dù chỉ đi quãng đường vài chục km, nhưng đã phải trải qua bốn, năm khâu trung gian, chưa kể các loại chi phí không tên, lời chồng lời, rồi mới đến được tay người tiêu dùng thì làm sao tránh khỏi việc bị “đẩy” giá lên.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, phải khẳng định, hiện nay các khâu trung gian đang “ăn” lợi nhuận quá lớn, theo thống kê trong cả xuất khẩu và thương mại nội địa, chiếm ít nhất 60% lợi nhuận ròng. Nghiêm trọng hơn, chính tình trạng này đang “bào mòn” các nhà sản xuất trong nước khi sản phẩm Việt đã hụt hơi trong cuộc chạy đua cùng hàng ngoại; đồng thời còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Vậy mà điều bất cập ấy đã tồn tại từ nhiều năm nay và vẫn chưa được giải quyết một cách cơ bản. Thực tế đang cho thấy, hệ thống lưu thông, phân phối hàng hóa của chúng ta tồn tại quá nhiều tầng, nấc. Trong mỗi tầng, nấc đó, người tham gia phân phối luôn cố gắng bảo đảm có lời, thế nên không chỉ ép giá mua từ nhà sản xuất mà còn “thổi” giá bán ra thị trường. Đặc biệt, quá trình này hoàn toàn không có sự tham gia của người sản xuất và người tiêu dùng, hai đối tượng chịu thiệt thòi chính trong cuộc đua về giá.

Nguyên nhân dẫn tới “đường vòng”

Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao, hàng hóa không thể đi thẳng từ nơi sản xuất đến các chợ và siêu thị, mà luôn phải “qua tay” các khâu trung gian. Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Võ Văn Quyền giải thích: Bản chất sâu xa của tình trạng này là do đặc điểm sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, không gắn với thị trường. Thực tế, không thể phủ nhận vai trò của thương nhân, thương lái trong hoạt động thu mua. Khi sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, không thể thiếu lực lượng này với nhiệm vụ gom hàng từ chân ruộng, sân vườn của từng hộ sản xuất, tập hợp lại, qua chợ huyện, chợ tỉnh hoặc thương nhân có vốn, có kho trữ lớn hơn... để đến thị trường tiêu thụ (thành phố, xuất khẩu...). Tỷ lệ hao hụt cũng như chi phí cũng phải tăng theo là tất nhiên, kéo theo là “đội” giá, rồi vấn đề bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm... Trong khi đó, phần lớn hệ thống, doanh nghiệp (DN) bán lẻ của Việt Nam chưa chủ động tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa cho riêng mình, điều mà các DN vốn nước ngoài từ lâu đã làm được. Lấy hệ thống siêu thị của Metro làm thí dụ, ông Vũ Vinh Phú cho biết: Ngay từ khi bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam, Metro đã cho thành lập các trung tâm sản xuất lớn, chuyên cung hàng hóa cho chuỗi bán hàng. Vì vậy, có những đợt, nếu bắp cải ở Metro giá chỉ 6.000 đồng/chiếc thì siêu thị Việt Nam vẫn bán 13 nghìn đồng/chiếc; 1 kg thịt heo tại Metro giá 80 nghìn đồng, thấp hơn nhiều mức 100 nghìn đồng trên thị trường. “Bi hài” hơn, không ít siêu thị Việt Nam lại chấp nhận vào Metro mua hàng để phân phối lại cho thị trường. Cũng theo ông Phú, không chỉ làm ăn manh mún, thiếu bài bản, nhiều siêu thị còn nặng thói quen “ngồi máy lạnh”, chờ người mang hàng đến để “chặt” chiết khấu. Theo phản ánh của nhiều DN, để đưa được hàng hóa vào hệ thống siêu thị, các nhà sản xuất đang phải chấp nhận mức chiết khấu ít nhất 20 đến 30%, thậm chí lên đến hơn 40%. “Đó là chưa kể đến vô số các loại phí “bôi trơn” khác như một loại sản phẩm thạch để được “mở mã” trong siêu thị phải trả cả nghìn USD, khiến giá bán bị đẩy cao hơn và như thế, thạch nước ngoài càng dễ chen chân, chiếm lĩnh thị trường”, ông Vũ Vinh Phú bức xúc chia sẻ. Giám đốc một DN chế biến thực phẩm đề nghị không nêu tên cho biết, một siêu thị lớn thay vì đòi chiết khấu thì “gợi ý” DN này đóng góp tiền đầu tư kho đông lạnh.

Cũng phân tích về tình trạng tồn tại quá nhiều khâu trung gian, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Về nguyên tắc, mọi nhà kinh doanh đều muốn mua tận gốc, bán tận ngọn. Một hệ thống có nhiều khâu trung gian là không phù hợp với cả thương mại hiện đại lẫn truyền thống. Tuy nhiên, trong HTPP hàng hóa của Việt Nam, trung gian vẫn có “đất sống”, một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế về vốn. Các nhà kinh doanh đã chấp nhận việc có thêm các khâu trung gian như một cách để giúp chiếm dụng và xử lý một phần khó khăn về vốn nhờ các hình thức như mua chịu, trả sau,… Ngoài ra, tư duy buôn bán của không ít người vẫn thiên về cách làm sợ rủi ro thương mại, nghĩa là sẵn sàng lời ít để sang tay sớm, không ôm hàng. Thực tế, chi phí logistics quá cao như hiện nay, cùng với các chi phí không chính thức càng thúc đẩy cách làm này. Thay vì khi mua tận gốc, người làm thương mại có thể triển khai chuỗi để bán tận ngọn thì nhiều người lại chọn cách nhanh chóng sang tay cho một cấp trung gian khác nhằm tránh rủi ro. Cứ thế, xuất hiện ngày càng nhiều trung gian và đẩy chi phí lên cao. Sau khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, chúng ta đã mở cửa cho tất cả các thành phần kinh tế cùng tham gia vào HTPP hàng hóa, nhưng Nhà nước đã không có sự can thiệp cần thiết mà hoàn toàn buông lỏng cho hệ thống này phát triển tự phát. Do đó, đã không hình thành được các chuỗi thương mại, đồng nghĩa với việc không có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành phần tham gia trong hệ thống. Các thành phần này hoạt động lộn xộn, lúc bán buôn, lúc chuyển sang bán lẻ,… dẫn đến cách làm thiếu chuyên nghiệp, chụp giựt, đồng thời gây nên sự cạnh tranh hỗn loạn trên thị trường.

Trước ý kiến cho rằng cần phải loại bỏ hết các khâu trung gian, TS Vũ Đình Ánh phân tích: Tại hệ thống thương mại của nhiều nước trên thế giới, chính người sản xuất ít khi tạo ra được giá trị gia tăng cao so với những khâu phi sản xuất, trong đó có các trung gian thương mại. Các khâu trung gian này, với khả năng sáng tạo sẽ đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế thị trường và đem lại giá trị gia tăng lớn hơn cho các sản phẩm. Thí dụ, rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khi được quảng cáo, gắn với các giá trị truyền thống, tâm linh sẽ bán được giá cao hơn nhiều so giá thành sản xuất, hay rau sạch được đóng gói cầu kỳ rõ ràng sẽ “ăn khách” hơn rau bày bán tại sạp đơn thuần… Tuy nhiên, thực trạng tại Việt Nam là các khâu trung gian vẫn “ăn dày” hơn sản xuất, nhưng lại không hề tạo ra các giá trị sáng tạo mà chỉ thuần túy là thương mại trao tay. Vì vậy, đặt vấn đề giảm giá bằng cách cắt bỏ hết các khâu trung gian không phải hoàn toàn đúng mà chỉ cần loại bỏ các khâu trung gian không tạo ra giá trị gia tăng thật sự, đồng thời kích thích sự phát triển các khâu trung gian sáng tạo.

(Còn nữa)

Ở Việt Nam hiện nay, nhiều DN thương mại có thị trường bắt đầu thể hiện quyền lực của mình ở việc đề nghị trả tiền hàng chậm, tính chiết khấu cao,… nhưng nhà sản xuất vẫn lao vào vì mặc dù thu lợi từ mỗi sản phẩm ít đi, nhưng với số lượng tăng thì nguồn thu càng lớn, đồng thời có thêm danh tiếng để tiêu thụ dễ hơn. Vì vậy, đúng là có chuyện chiết khấu thương mại, nhưng đó là quyền lực thị trường và của người “cầm cái”. Ngược lại, khi cầu mạnh và cung thiếu, quyền lực lại thuộc về nhà sản xuất. Đây là cuộc chơi theo quy luật thị trường và Nhà nước rất khó có thể can thiệp vào quá trình này.

Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương)

Theo Nhóm Phóng viên kinh tế/nhandan/Thứ Ba, 28/03/2017, 03:14:53

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...