Thị trường phát điện cạnh tranh: Cộng hưởng nhiều lợi ích
Các nhà máy điện tham gia TTPĐCT đều chào giá bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, tìm cơ hội gia tăng lợi nhuận thông qua chiến lược hợp lý. Và quan trọng hơn, khi tham gia TTPĐCT hệ thống điện được vận hành an toàn với nguồn cung ổn định.
Các tổ máy phát điện tại Nhà máy Thủy điện Ialy. Ảnh: Ngọc Hà.
Đến nay, những tín hiệu tích cực của một thị trường có nhiều cạnh tranh giữa các nhà sản xuất điện được thể hiện rõ. Cụ thể nhà máy nào chào giá thấp hơn sẽ được huy động trước và việc này được công khai trên website. Đặc biệt, giá phát điện đã thể hiện được quan hệ cung - cầu. Khi phụ tải ở những giờ cao điểm, giá điện của thị trường cũng cao, song trong giờ thấp điểm giá lại thấp hơn. Đặc điểm này đã gián tiếp khuyến khích nhà máy điện tăng khả năng sẵn sàng phát điện và có những chiến lược chào giá phù hợp để bảo đảm doanh thu. Thực tế, nhiều nhà máy đã kinh doanh hiệu quả hơn sau khi tham gia thị trường phát điện. Kết quả của năm 2013 đã ghi nhận sự thành công bước đầu của TTPĐCT, tạo động lực cho sự hình thành và phát triển thị trường điện hoàn chỉnh tại Việt Nam sau năm 2020.
Những thành quả bước đầu của TTPĐCT là một trong những cơ sở để Chính phủ quyết định đẩy nhanh lộ trình triển khai thị trường điện trong nước. Ngày 8-11-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, thay thế cho Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26-1-2006. Theo đó, cấp độ 2 của thị trường điện là thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ được đẩy lên sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, năm 2015, 2016 sẽ triển khai thí điểm, chuẩn bị để năm 2017 đưa vào vận hành chính thức thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống quy tắc, quy định cho thị trường, chất lượng nguồn nhân lực… sẽ là những vấn đề mà EVN phải đối mặt khi thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Đặc biệt, trên thị trường bán buôn, các đơn vị phân phối (đối với EVN là các tổng công ty phân phối điện) sẽ trực tiếp mua buôn, thay vì thông qua một đơn vị mua duy nhất hiện nay là Công ty Mua bán điện. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với các tổng công ty phân phối điện. Bên cạnh đó, các đơn vị phân phối điện ngoài EVN hoàn toàn có thể tham gia mua buôn - bán buôn cạnh tranh trên thị trường này, trực tiếp cạnh tranh với các đơn vị thuộc EVN, nếu đủ năng lực. EVN đang và sẽ nghiên cứu, sớm đưa ra kế hoạch triển khai trong năm 2014 ngay sau khi có chỉ đạo cụ thể của Bộ Công thương, bảo đảm đến 2015, việc thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ diễn ra thuận lợi.
TTPĐCT sau một năm vận hành đã nâng cao tính minh bạch, công bằng trong việc huy động các nguồn điện. Đồng thời, nâng cao hiệu quả cạnh tranh và giảm chi phí phát điện của nhà máy. Thị trường điện đã được vận hành liên tục, không gián đoạn kể cả những thời điểm vận hành hệ thống khó khăn như sự cố hệ thống điện miền Nam tháng 5-2013, xả nước đổ ải miền Bắc, ngừng cung cấp khí các nhà máy phía Nam.
Hiện tại, Bộ Công thương, EVN đã lên lộ trình phê duyệt, triển khai đề án thiết kế tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam, dự kiến cuối năm 2015 đến 2016 sẽ thí điểm và 2017 sẽ thực hiện thị trường bán buôn cạnh tranh hoàn chỉnh.
Theo Thanh Mai/HNM
Bình luận