Triển khai một số giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển chăn nuôi
Sau một thời gian phát triển nóng của ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đã bộc lộ một số tồn tại bất cập về thị trường. Trong đó, đặc biệt là thị trường thịt lợn. Giá thịt lợn hơi xuất chuồng đã xuống thấp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Nhằm từng bước ổn định và phát triển chăn nuôi nói chung, nhất là đối với chăn nuôi lợn (ngành chiếm tỷ trọng trên 70% thị phần các sản phẩm chăn nuôi cũng như cơ cấu tiêu dùng thực phẩm hàng ngày của người dân), Bộ NN&PNNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan triển khai một số giải pháp cấp bách.
Về giải pháp trước mắt, giao cho các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng nhằm hạ giá thành sản xuất ở mức thấp nhất trong điều kiện có thể. Tuyên truyền, khuyến cáo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn rà soát quy trình sản xuất, điều chỉnh giá bán phù hợp trên tinh thần chia sẻ với người chăn nuôi vượt qua những khó khăn trước mắt.
Chỉ đạo cơ quan thú y tăng cường kiểm tra dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin, không để tình trạng cắt bớt các khâu quản lý dịch bệnh sẽ dẫn tới hệ lụy phát dịch trong thời gian tới. Tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất sản xuất các sản phẩm thành phẩm và dự trữ thịt lợn góp phần tạo nguồn tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, quản lý tốt giá cả, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm.
Về lâu dài, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết; trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, Hiệp hội và Hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.
Triển khai các giải pháp tổng thể nhằm phát triển thị trường cho sản phẩm chăn nuôi của địa phương (xác định địa phương phải chủ động là chính kết hợp giải pháp liên kết trong vùng và liên vùng). Cùng với đó, rà soát, thống kê chăn nuôi để có quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi phù hợp với từng địa phương; vừa đảm bảo ổn định thị trường vừa bảo vệ môi trường chăn nuôi gắn với an toàn thực phẩm./.
Theo BT/dangcongsan/19:25 27/04/2017
Bình luận