Thứ bảy, 11/01/2025, 23:51 [GMT+7]

VEPR đưa ra dự báo năm 2017 tăng trưởng ở mức 6,4%

Thứ ba, 17/01/2017 - 10:18'
Chiều 16/1 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức buổi tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2016.

Hình ảnh tại buổi tọa đàm (Ảnh: M.P)

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, kinh tế thế giới Quý IV và cả năm 2016 đã chứng kiến những biến động lớn, ẩn chứa nhiều yếu tố bất định. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự kiện chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ. Bên cạnh đó, giá năng lượng và lương thực thế giới phục hồi ổn định và Mỹ nâng lãi suất khi đã thấy đủ tự tin thoát khỏi suy thoái kinh tế. Trước đó, một sự kiện đáng kể trong năm là Brexit, gây ra nhiều phán đoán và nhiều thông điệp khác nhau về tương lai.

Ông Thành cho biết, quý IV/2016 tiếp tục chứng kiến những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, sau nửa đầu năm suy giảm mạnh. Tăng trưởng đạt 6,68%, cao hơn so với mức 6,56% của Quý III, dù vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước (2014: 6,96%; 2015: 7,01%). Trong đó, nông nghiệp tăng trưởng cao hơn 9 tháng đầu năm và đạt 2,96% trong Quý IV.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 chỉ đạt 6,21%, thấp hơn mức 6,68% của năm2015 và mục tiêu 6,3-6,5% mà Chính phủ đặt ra trong phiên họp thường kỳ tháng 9. Đặc biệt, suy giảm thấy rõ trong ngành nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.

Khu vực nông nghiệp, vốn chiếm 11-13% GDP, ước tính chỉ tăng 0,72% trong cả năm 2016 và chỉ đóng góp được 0,09 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Trong khi đó, tăng trưởng lâm nghiệp và thủy sản cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước khiến cả khu vực nông, lâm ngư nghiệp chỉ tăng 1,36%, thấp nhất trong vòng sáu năm trở lại đây.

Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng nhóm ngành này đạt 11,09% cao hơn so với hai năm trước. Tuy nhiên, với mức đóng góp lên tới 28,4% trong cơ cấu GDP khu vực công nghiệp, suy giảm ngành khai khoáng đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng khu vực này cũng như tăng trưởng kinh tế chung. Ước tính năm 2016 ngành khai khoáng suy giảm tới 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm 0,33 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) giảm dần so với mức tăng cùng kỳ năm 2015. Tính tới cuối năm, chỉ số này chỉ tăng 7,5%, thấp hơn con số 9,8% cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,2%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%, trong khi ngành khai khoáng giảm tới 5,9%. Tuy nhiên, đà suy giảm từ đầu năm đã bắt đầu chững lại trong Quý IV. Chỉ số tiêu thụ tăng nhẹ trong khi tồn kho ngành chế biến chế tạo những tháng giảm nhẹ.

Về lạm phát, báo cáo cho thấy lạm phát quý IV tăng mạnh sau các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giá xăng dầu. Theo đó, lạm phát toàn phần cuối năm tăng 4,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn duy trì trong khoảng 1,7-1,9% trong suốt quý IV và cả năm 2016, khoảng cách giữa lạm phát và lạm phát lõi ngày càng được nới rộng.

Điều này cho thấy rõ sự gia tăng mạnh trong chı̉ số giá các nhóm hàng lương thực - thực phẩm, năng lượng và do Nhà nước quản lý.

Báo cáo của VEPR cũng đánh giá, điều hành tiền tệ trong năm 2016 là linh hoạt và chặt chẽ. NHNN vẫn theo sát mục tiêu ổn định lạm phát và thận trọng với mục tiêu này. Tuy nhiên, càng về cuối năm các nhân tố làm tăng lạm phát xuất hiện càng nhiều hơn, bao gồm sự phục hồi trong giá năng lượng và điều chỉnh giá dịch vụ công. NHNN đã có lưu ý về nguy cơ lạm phát quay trở lại trong năm 2017, đồng thời đã có những cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

VEPR cũng đưa ra đánh giá, dù tăng trưởng thương mại dần hồi phục cùng với triển vọng tốt trong thu hút vốn FDI, nhưng mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2017 mà Chính phủ đang đặt ra là một ngưỡng cao. Do đó, VEPR vẫn duy trì quan điểm cần tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô. Nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đang quay trở lại, và mục tiêu 4% cho năm 2017 là không dễ dàng. Khi lạm phát vượt 5%, lãi suất danh nghĩa sẽ phải điều chỉnh tăng, có thể gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và thị trường tài chính, tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế nói chung, báo cáo VEPR nhận định.

VEPR dự báo, tăng trưởng kinh tế quý I/2017 đạt 5,8%, lạm phát 5,8%; quý II tăng trưởng 6,2%, lạm phát 5,8%; quý III tăng trưởng 6,6%, lạm phát 6,2%; quý IV tăng trưởng 6,7%, lạm phát 5,9%. Cả năm dự báo tăng trưởng 6,4%, lạm phát chưa xác định./.

Theo Minh Phương/dangcongsan/21:29 16/01/2017

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...