Chủ nhật, 12/01/2025, 02:53 [GMT+7]

Xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là cần thiết

Thứ sáu, 21/10/2016 - 09:46'
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 20/10, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Chính phủ trình bày các báo cáo về kinh tế, tài chính, ngân sách.

Đầu giờ chiều, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

 

Cần hơn 10 triệu tỉ đồng để tái cơ cấu nền kinh tế

 

Theo Tờ trình, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển; qua đó, làm thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và đảm bảo tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.

Theo đó, Chính phủ đề ra 5 nội dung tái cơ cấu trọng tâm gồm: Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý FDI; Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước bao gồm doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, ngân sách nhà nước và dịch vụ sự nghiệp công; Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán; Hiện đại hoá công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng như: Thị trường quyền sử dụng đất, lao động, khoa học công nghệ.

Báo cáo cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,5-6%/năm, phấn đấu giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp trung bình hơn 60% vào tăng năng suất lao động; Kiểm soát lạm phát dưới 3% đến năm 2020; Giảm thâm hụt ngân sách nhà nước xuống dưới 4% GDP vào năm 2020; Duy trì nợ công không vượt quá 65% GDP; đẩy nhanh thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp một cách thực chất, giảm bớt ngành nghề quy định nhà nước cần nắm giữ đa số cổ phần. Tỉ trọng đầu tư nhà nước khoảng 31 - 34% tổng đầu tư xã hội; hàng năm, tăng dần tiết kiệm từ ngân sách cho đầu tư; dành khoảng 24 - 25% dự toán chi NSNN giai đoạn 2016 – 2020 cho đầu tư phát triển. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP đến năm 2020. Đến năm 2020, ít nhất 10 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế và cải thiện được vị trí trên chuỗi giá trị toàn cầu.

Để thực hiện Kế hoạch này, Chính phủ cũng tính toán nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu giai đoạn tới trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến khoảng 10.567 tỷ đồng.

Tiếp đến, Báo cáo thẩm tra kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 98/2015/QH13 của Quốc hội. 

Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. (Ảnh: H.Tuấn)

Về các chỉ tiêu cụ thể của Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện có 2 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quan điểm của Chính phủ là bên cạnh các chỉ tiêu cho phát triển kinh tế-xã hội, cần bổ sung một số chỉ tiêu khác để nâng cao hiệu quả của quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, không cần thiết phải đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, mà căn cứ trực tiếp vào các chỉ tiêu cụ thể trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế cho rằng, bên cạnh các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã được Quốc hội quyết định trong Nghị quyết 5 năm, việc lượng hóa thêm một số chỉ tiêu phản ánh nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế là cần thiết, vừa thuận tiện trong triển khai thực hiện, vừa giúp việc đánh giá kết quả được sát thực hơn. Đây cũng là yêu cầu đặt ra đối với mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế được nêu trong Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị không lặp lại các chỉ tiêu đã có, chỉ đề xuất các chỉ tiêu mới hoặc được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn so với các chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đối chiếu với hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Chính phủ đề xuất điều chỉnh 1 chỉ tiêu (chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,5-6%/năm trong khi chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội là 5%/năm) và bổ sung một số chỉ tiêu định lượng. Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ cơ sở xây dựng và tính khả thi của các chỉ tiêu mới được đề xuất.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị báo cáo rõ cơ sở đề xuất mục tiêu “dành 24-25% dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho đầu tư phát triển” trong bối cảnh tái cơ cấu đầu tư công, chuyển đổi mô hình tăng trường từ chiều rộng (tăng về lượng, phạm vi dàn trải nhiều lĩnh vực) sang kết hợp với chiều sâu (tăng về chất lượng, tập trung trọng điểm); việc tăng tỷ trọng dự toán chi ngân sách cho đầu tư phát triển cần gắn với các giải pháp để đầu tư trọng điểm, tăng cường hiệu quả, chất lượng đầu tư. Có ý kiến đề xuất tăng chi ngân sách cho đầu tư phát triển cần sử dụng để đầu tư mạnh cho các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm mà khó khăn trong huy động vốn của tư nhân, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Một số chỉ tiêu được Chính phủ dự kiến trình trước đây như “cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý ở mức cụ thể là từ 2-3% so với mức lạm phát”, “dự trữ ngoại hối khoảng 4-5 tháng nhập khẩu”, Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định cụ thể như vậy là khó khả thi, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế và không thể hiện trong dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp này. Định hướng giảm lãi suất cho vay là cần thiết nhưng cần tuân thủ nguyên tắc thị trường, không nên có quyết định can thiệp hành chính, đề nghị cần có các giải pháp quyết liệt xử lý nợ xấu và tăng cường quản trị ngân hàng để các tổ chức tín dụng có thể giảm chi phí trong hoạt động, từ đó tác động giảm lãi suất cho vay.

 

3 kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế

Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, theo 3 kịch bản tái cơ cấu, kịch bản 1 có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất (7,01%/năm), kịch bản 2 là 6,86%/năm và kịch bản cơ sở là 6,55%/năm; lạm phát bình quân hàng năm tương ứng với 3 kịch bản này là 3,5%; 4,5% và 5%. Trong nội dung Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chính phủ tiếp cận các mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế “theo kịch bản 2 (đẩy nhanh tái cơ cấu), tuy nhiên có tiếp cận kịch bản 1 (tái cơ cấu quyết liệt) ở những nội dung tái cơ cấu có khả năng đẩy nhanh tốc độ”.

Đối chiếu với chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, mức tăng trưởng kinh tế trong cả ba kịch bản đều phù hợp với mục tiêu mà Quốc hội đề ra (6,5-7%/năm) nhưng chỉ có kịch bản 1 có mức lạm phát đáp ứng được yêu cầu trong Kế hoạch (“phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch và 3% vào năm 2020”, nên lạm phát bình quân hàng năm sẽ trong khoảng 3-4%). Bên cạnh đó, trong khi tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đối với tăng trưởng của kịch bản 1 (32,38%) và kịch bản 2 (30,9%) đều đáp ứng mục tiêu đề ra (30-35%) thì chỉ có kịch bản 1 có mức bội chi ngân sách trung bình khoảng 4% (kịch bản 2 là quá cao, 4,89%), nhưng phản ánh rõ dự báo năm 2020 vì mục tiêu đề ra là “bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP”.

Do vậy, việc tiếp cận chủ yếu theo kịch bản 2 và có tiếp cận kịch bản 1 ở một số nội dung tái cơ cấu kinh tế như đề xuất của Chính phủ chưa bảo đảm tính thuyết phục để đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Đề nghị phân tích và lựa chọn kịch bản phù hợp, báo cáo rõ sự kết hợp giữa các mục tiêu cụ thể nào nếu có sự kết hợp, đan xen giữa các kịch bản.

Có ý kiến đề nghị bổ sung trong nội dung của Đề án việc đánh giá tác động cụ thể, phân tích mức độ rủi ro, tính khả thi và nguồn lực thực hiện của cả ba kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế (cơ bản, quyết liệt, đẩy mạnh) để bảo đảm tính thuyết phục cao hơn trong việc lựa chọn phương án phù hợp.

 

Cũng trong chiều nay,  Quốc hội đã nghe các báo cáo và báo cáo thẩm tra gồm: Báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm; báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017./

Theo Đỗ Thoa/dangcongsan/17:11 20/10/2016

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Công nhận lại sản phẩm OCOP ở Tân Uyên: Chuyện khó, việc mới
(BLC) -Để xây dựng được sản phẩm OCOP, các chủ thể phải đầu tư mới có được. Mặc dù vậy, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà thời hạn ngắn, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...